Tại Hội nghị Đánh giá công tác tuyển sinh và thi tốt nghiệp năm 2016, phương hướng nhiệm vụ năm 2017 do Tổng cục dạy nghề tổ chức ngày 4/4, nhiều đại diện các trường trung cấp, cao đẳng lo lắng vì khó đáp ứng đủ chỉ tiêu tuyển sinh đã đề ra. “Tuyển sinh rất vất vả” Đây là lời than và cũng là nỗi lo của không ít lãnh đạo trường nghề.
Nỗi lo này không phải không có cơ sở. Kể từ tháng 1/2017, hệ thống hơn 500 trường cao đẳng, trung cấp được chuyển về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Do đó, hệ thống các trường này không còn xuất hiện trong danh sách nguyện vọng trên hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh vì không chung hệ thống xét tuyển với Bộ GD-ĐT. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Hồng Minh – Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều thí sinh không “mặn mà” với việc học nghề là do người học vẫn coi trọng bằng cấp. Quan niệm “trọng thầy hơn thợ” của các bậc phụ huynh và học sinh gây trở ngại lớn trong việc thu hút thí sinh dự thi vào cơ sở dạy nghề. Mặc dù nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp hiện nay rất lớn, tuy nhiên lao động có tay nghề vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Trong khi thí sinh dự thi đại học phấn khởi vì có nhiều sự lựa chọn, các trường trung cấp, cao đẳng như “ngồi trên đống lửa”. Dự đoán tình hình không mấy khả quan, thời gian vừa qua, các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phải nỗ lực tuyên truyền tuyển sinh đến tận các xã, huyện trong tỉnh. Ông Dương Duy Hưng – Phó GĐ Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Công tác tuyển sinh những năm gần đây trên địa bàn tỉnh rất vất vả nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu đề ra. Các giải pháp như nâng cao chất lượng của nhà trường để thu hút tuyển sinh, gắn kết đào tạo với thực tiễn tại Samsung hay FDI cũng được chú trọng. Tuy nhiên, kết quả vẫn không được như mong muốn”. Đau đầu tìm giải pháp Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề cơ điện Hà Nội cho biết “Giải pháp của chúng tôi là nâng cao đào tạo, cạnh tranh đầu ra bằng cách áp dụng chuẩn đầu ra đối với sinh viên để phù hợp với doanh nghiệp như TOEIC, IC3 và các kĩ năng mềm khác. Ngoài ra chúng tôi tăng cường đào tạo gắn với doanh nghiệp để giải quyết bài toán lương giảng viên thấp, học phí thu thấp nhưng đòi hỏi sản phẩm giáo dục chất lượng cao”.
Còn theo ông Dương Duy Hưng, để giải quyết vấn đề này cần ban hành hệ thống danh mục ngành nghề phải qua đào tạo các doanh nghiệp mới có thể tuyển dụng. Bên cạnh đó, người tham gia vào thị trường lao động cần phải có chứng chỉ hành nghề. Trả lời về việc đưa ra giải pháp nhằm thu hút thí sinh dự thi vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp, ông Nguyễn Hồng Minh – Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề nhấn mạnh “đây là bài toán khó”. Ông Minh cho rằng ngoài việc tuyên truyền chế độ chính sách, các trường cần phải tăng cường chất lượng giảng viên, chương trình đào tạo để theo sát nhu cầu doanh nghiệp và thực tế. Từ đó, người học có khả năng làm những công việc theo nhu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra, nhà trường cần có bộ phận kết nối công tác đào tạo với doanh nghiệp để giải quyết việc làm sau khi ra trường cho sinh viên. Ông Minh cho biết thêm “Hiện tại, nhiều trường cam kết nếu 6 tháng đến 1 năm sau khi ra trường không giải quyết được việc làm cho sinh viên sẽ sẵn sàng hoàn trả lại tiền cho người học. Đây là điều bắt buộc trong xu thế những năm tới”. Ngoài ra, Nhà nước cũng đã có những chính sách nhằm thu hút người học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp như chính sách miễn giảm học phí, học bổng đối với những ngành nghề độc hại, khó tuyển sinh, những ngành nghề trọng điểm quốc gia…
Thúy Nga |